Giảm giá thành mía nguyên liệu: Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp
Sản Xuất Mía Còn Lạc Hậu Là Nguyên Nhân Chính Khiến Giá Thành Sản Xuất đường Cao Làm Cho Năng Lực Cạnh Tranh Ngành Mía đường Của Việt Nam Còn Yếu Kém. Bộ Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông Thôn Vừa Chỉ đạo Các đơn Vị Liên Quan Thực Hiện Nhiều Giải Pháp để Giả
Sản xuất mía còn lạc hậu là nguyên nhân chính khiến giá thành sản xuất đường cao làm cho năng lực cạnh tranh ngành mía đường của Việt Nam lép vế hoàn toàn so với sản phẩm đường trong khu vực và thế giới.
Theo số liệu báo cáo tổng kết niên vụ sản xuất mía đường 2014-2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năng suất mía bình quân của Việt Nam mới đạt 65,3 tấn/ha, trong khi mức bình quân của nhóm nước có năng suất mía thấp trên thế giới là khoảng 70 tấn/ha; giá mía bình quân dao động từ 750.000 đồng – 900.000 đồng/tấn, trong khi giá mía của Thái Lan ước tính chỉ vào khoảng 600.000 đồng/tấn; chất lượng mía nguyên liệu bình quân đạt 10,2 chữ đường (CCS), trong khi mức bình quân của thế giới là từ 12-13 CCS trở lên.
Giá thành sản xuất mía cao nên chi phí mía nguyên liệu đầu vào cho 1 kg đường của các nhà máy ở Việt Nam hiện nay ước tính vào khoảng 10.400 đồng, trong khi mức bình quân trong khu vực châu Á chỉ khoảng 8.200 đồng (theo Tập đoàn TTC).
Để nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành mía đường niên vụ 2015-2016 và tiếp theo, theo ông Trần Thanh Nam – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản xuất mía; trong đó, tập trung triển khai có hiệu quả các giải pháp về quy hoạch, tạo đột phá về giống, thay đổi phương thức và tổ chức lại sản xuất mía…
Ngay trong năm 2015, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang thực hiện rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển mía đường đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 theo yêu cầu vùng nguyên liệu phải đáp ứng công suất nhà máy, đảm bảo các điều kiện có thể áp dụng được các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng trọt và cơ giới hóa sản xuất mía để nâng nhanh năng suất, chất lượng mía. Tới đây, quy hoạch vùng nguyên liệu mía sẽ điều chỉnh theo hướng giảm diện tích trên đồi cao, tăng diện tích dưới ruộng thấp, chuyển đổi trồng mía trên những ruộng trồng lúa kém hiệu quả để nâng nhanh diện tích mía có tưới; quy hoạch vùng nguyên liệu mía liền vùng, liền khoảnh thuận lợi cho việc dồn điền đổi thửa, tạo nên các cánh đồng mía lớn để áp dụng cơ giới hóa, tưới và thâm canh. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các nhà máy đường phối hợp chặt chẽ với đơn vị tư vấn trong việc cung cấp đầy đủ các thông tin liên quan để có cơ sở đề xuất phương án quy hoạch vùng nguyên liệu tối ưu nhất.
Ngoài sản xuất mía lạc hậu, phần lớn các nhà máy đường ở Việt Nam hiện nay chỉ có trình độ sản xuất công nghiệp đường ở mức trung bình, quy mô công suất nhỏ nên hiệu quả thấp; trình độ và năng lực quản lý của nhiều nhà máy hạn chế trong bối cảnh hội nhập quôc tế; việc đa dạng hóa các sản phẩm bên cạnh đường và tận dụng phế phụ phẩm của ngành đường (điện bã mía, mật rỉ…) để nâng cao hiệu quả sản xuất chưa được quan tâm đúng mức… |
Nhằm tạo đột phá về giống mía chất lượng tốt, năng suất cao, phù hợp với từng vùng khí hậu và thổ nhưỡng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các viện Nghiên cứu (đặc biệt là Viện Nghiên cứu mía đường) chủ động phối hợp với các doanh nghiệp đề xuất việc nhập khẩu các giống tốt, chất lượng cao về Việt Nam khảo nghiệm, chọn tạo những bộ giống mới, phù hợp đưa vào sản xuất; các doanh nghiệp sản xuất đường phải chủ động nhân giống, cung cấp cho trồng mới hàng năm đối vùng nguyên liệu mía đã quy hoạch cho nhà máy.
Để thay đổi phương thức và tổ chức lại sản xuất mía hiệu quả, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã chỉ đạo: Các viện nghiên cứu và các đơn vị liên quan nhanh chóng xây dựng các quy trình kỹ thuật thâm canh cho từng loại giống mía, phù hợp với từng địa bàn; đề nghị bộ phận nông vụ của các nhà máy đường tích cực phối hợp với ngành nông nghiệp hướng dẫn, chuyển giao các quy trình thâm canh mới cho nông dân để nâng cao hiệu quả trong sản xuất mía; triển khai hiệu quả Quyết định 68/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng về các chính sách hỗ trợ đầu tư cơ giới hóa, giảm tổn thất sau thu hoạch, tăng cường áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất, thu hoạch mía; nghiên cứu, tổ chức xây dựng hệ thống thủy lợi và kỹ thuật tưới nước cho mía ở từng địa bàn khác nhau; tiếp tục tăng cường công tác khuyến nông cho cây mía để tuyên truyền, nhân rộng những mô hình sản xuất mía hiệu quả cho các vùng miền trên cả nước. Đồng thời, đề nghị các địa phương, doanh nghiệp sản xuất đường chủ động vận dụng các chính sách của Nhà nước vận động nông dân dồn điền, đổi thửa, khuyến khích cho thuê đất để hình thành những vùng sản xuất mía qui mô lớn, tập trung; tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị để giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh tế…/.