Đường nội mệt với đường ngoại!

Đường nội mệt với đường ngoại!

 Thêm một niên vụ qua đi nhưng các doanh nghiệp sản xuất đường trong nước chẳng những không vững vàng hơn mà trái lại càng thêm khốn khó vì thị trường bị lấn át bởi đường nhập lậu và đường giá rẻ nhập khẩu theo cam kết WTO.

 


Một xe chở mía nguyên liệu đang chờ bán cho nhà máy. Ảnh: NH

Theo Cục chế biến, thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến thời điểm này 42 nhà máy đường đã dừng sản xuất, tức là về cơ bản vụ mía đường 2014/2015 đã kết thúc.

Sản lượng đường sản xuất ra của các nhà máy là hơn 1,4 triệu tấn, giảm hơn 13% so với niên vụ trước.

Do lượng đường sản xuất giảm nên lượng đường tồn kho của các nhà máy cũng giảm theo. Cụ thể, lượng đường tồn kho tại các nhà máy tính đến ngày 15-6 là 389.440 tấn, thấp hơn cùng kỳ năm trước 159.500 tấn.

Sản lượng giảm cho thấy các doanh nghiệp đường đã có một năm sản xuất kinh doanh không thuận lợi và đang chờ đới một niên vụ mới 2015/2016 với nhiều khó khăn hơn.

Theo Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA), lâu nay, giá bán đường của các nhà máy luôn thấp hơn thị trường 500 đồng/kg; giá bán đường kính trắng trên thị trường dao động từ 14.200-14.800 đồng/kg tùy theo từng khu vực trong khi giá đường nhập lậu Thái Lan được chào bán với giá 13.000 đồng/kg; rẻ hơn do không phải chịu thuế, phí.

Một nguồn đường khác là đường của Hoàng Anh Gia Lai sản xuất ở Lào cũng đang được chào bán trên thị trường nội địa. Theo VSSA, ban đầu, HAGL chào bán giá 14.000 đồng/kg nhưng không bán được nên đã giảm xuống còn 13.300 – 13.500 đ/kg.

Theo giám đốc một nhà máy đường, một trong những lý do để HAGL phải giảm giá là do trong thời gian qua, việc xuất khẩu đường sang Trung Quốc gặp khó khăn, thậm chí có thời điểm không xuất được.

Trong thời gian qua, do không cạnh tranh được về giá trên thị trường nội địa và để giảm áp lực cung vượt quá cầu, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đường chỉ còn một cách duy nhất là xuất sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Tuy nhiên, xuất khẩu đường tiểu ngạch luôn tiềm ẩn những rủi ro, đặc biệt là thường xuyên bị “cấm biên”.

Không chặn được nguồn đường nhập lậu, cũng không đẩy mạnh được xuất khẩu, thị trường đường trong nước rơi vào tình trạng cung vượt quá cầu, giá đường giảm là tất yếu.

Trong khi đó, theo cam kết với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), mỗi năm Việt Nam đều nhập một lượng đường của các đối tác, số đường phải nhập năm nay là 81.000 tấn, càng làm cho sức ép dư thừa nguồn cung tăng lên.

Thêm vào đó, giá đường trên thị trường thế giới liên tục giảm; hiện đường giao dịch trên sàn hàng hóa London, Anh giao vào tháng 8-2015 là gần 349 đô la Mỹ/tấn, tương đương 7,6 triệu đồng/ tấn, chỉ bằng 60% giá đường trong nước.

Theo khảo sát của VSSA, trung bình mỗi năm mỗi người Việt tiêu thụ 16 kg đường và như vậy lượng đường sản xuất ra của các nhà máy trong niên vụ 2014/2015 đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ nội địa. Tuy nhiên, các nhà máy đường chỉ có thể cạnh tranh nếu nguồn đường nhập lậu từ Lào và Thái Lan được ngăn chặn hiệu quả.

TBKTSG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *