TÂN CHỦ TỊCH HĐQT CỦA TTCS: CHÚNG TÔI KHÔNG NHÌN ‘BỨC TRANH’ NGẮN HẠN THEO GIÁ ĐƯỜNG THẾ GIỚI

TÂN CHỦ TỊCH HĐQT CỦA TTCS: CHÚNG TÔI KHÔNG NHÌN ‘BỨC TRANH’ NGẮN HẠN THEO GIÁ ĐƯỜNG THẾ GIỚI

(NCĐT) – Ngay khi nhận quyết định giữ chức danh Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) của Công ty Cổ phần Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (TTCS), ông Phạm Hồng Dương đã bắt tay triển khai các kế hoạch, mục tiêu của Công ty nhằm đạt được chỉ tiêu về hoạt động kinh doanh cũng như tiếp tục chiến lược của HĐQT TTCS – tăng năng lực cạnh tranh hoạt động của Công ty, Nông dân và Nhà máy phải luôn cùng song hành, duy trì hợp tác bền chặt.
Ông Phạm Hồng Dương vừa chính thức bổ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT TTCS ngày 13.2.2015.
Tiếp nhận vị trí mới ngay đúng vào đầu năm 2015 – năm bị đánh giá không mấy lạc quan cho ngành đường – ông đã sẵn sàng tinh thần bước vào “cuộc chiến”?
Quả thật, trong những năm gần đây, các vấn đề như thiếu nguồn nguyên liệu, áp lực cung cầu, đường lậu cạnh tranh, hội nhập AFTA được nhắc đến nhiều, cũng gây trăn trở không ít với các doanh nghiệp ngành đường và TTCS nói riêng. Cột mốc năm 2015 – năm Việt Nam chính thức gia nhập lộ trình giảm thuế trong khối kinh tế AFTA được đặc biệt chú ý. Nhưng không vì vậy mà tôi cho rằng, năm 2015 sẽ không mấy “ngọt ngào” với ngành đường. Thứ nhất: Lộ trình AFTA đã điều chỉnh đến năm 2018 với thuế nhập khẩu ngành đường là 5%. Chưa kể, các nước vẫn có quyền bảo hộ bằng hàng rào phi thuế quan trong 5 năm kể từ khi thuế suất thuế nhập khẩu được hạ xuống 0%. Thứ hai: Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ rất quan trọng cho ngành đường như quy hoạch đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 không cho xây dựng thêm nhà máy mới, hay Nghị định giảm thuế thu nhập doanh nghiệp 30% đối với các nhà máy có trên 300 lao động thường xuyên trong năm. Đáng chú ý là chính sách hạn ngạch được áp dụng triệt để. Đối với lượng hàng trong hạn ngạch, thuế nhập khẩu là 5%, còn đối với hàng ngoài hạn ngạch, mức thuế suất lên đến 80% đối với đường thô và 85% đối với đường tinh.
Bên cạnh đó, ngành mía đường luôn được toàn thế giới quan tâm, vì đây là ngành liên quan đến vấn đề an ninh lương thực. Đến năm 2025, dân số châu Á tăng 25%, nhu cầu đường cũng tăng tương ứng. Nếu Việt Nam không còn bất kỳ nhà máy đường nào, thì Việt Nam cần ít nhất 2 tỷ USD hàng năm chỉ để nhập khẩu toàn bộ đường, mà cũng không có đường để mà nhập, vì diện tích trồng mía toàn thế giới chỉ có giới hạn.
Thêm một tin vui đầu năm mà chắc bạn cũng đã biết: Đầu tháng Hai này, Bộ Công an vừa triệt phá đường dây buôn lậu đường với quy mô lên tới hàng ngàn tấn mỗi năm xuyên quốc gia từ Thái Lan qua Campuchia vào Việt Nam. Trên thực tế, người tiêu dùng không thể phân biệt đâu là đường sản xuất trong nước, đâu là đường nhập lậu từ Thái Lan mà chỉ có những cơ sở phân phối biết và cơ quan quản lý thị trường biết. Do tác động từ vụ triệt phá buôn lậu, những cơ sở kinh doanh đường để đảm bảo an toàn cho mình không còn bán đường lậu nữa.
Ngành đường Việt Nam chủ yếu phục vụ tiêu thụ nội địa. Khi lượng cung tăng quá lượng cầu, Việt Nam phải tìm cách xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc. Tuy nhiên, do giao dịch mậu biên không phải là kênh chắc chắn, các doanh nghiệp vẫn phải tự tìm đường ra. Do đó, nhà máy đường nào làm ăn không hiệu quả, giá thành cao, sẽ khó mà cạnh tranh trong nước, chứ đừng nói đến cạnh tranh với đường lậu, tất yếu sẽ bị đào thải. Theo quy luật cung cầu thì thị trường mía đường sẽ sớm trở về mức cân bằng.
Do đó, có thể nói, chúng tôi không nhìn “bức tranh” ngắn hạn theo giá đường thế giới!
Những điều ông vừa chia sẻ mới là “ngoại lực”, còn “nội lực” của TTCS thì thế nào, thưa ông?
Trước tiên, TTCS xác định “điểm tựa” để giữ vững và nâng cao năng lực cạnh tranh chính là sự hài hòa lợi ích giữa nhà máy và người nông dân để giữ nguồn nguyên liệu lâu dài và ổn định.
TTCS đã và luôn luôn có các chính sách đồng hành và hỗ trợ người nông dân, cụ thể qua các hình thức không hoàn lại bằng giống, vật tư. Các chính sách này cũng được TTCS luôn quan tâm và xây dựng mới hàng năm để phù hợp với tình hình thực tế. Trong khi nhiều doanh nghiệp có xu hướng giảm chi phí đầu tư cho nông dân thì TTCS có chủ trương tăng vốn đầu tư cho họ. Chúng tôi còn có chính sách để bà con nông dân gắn bó lâu dài với cây mía bằng việc tăng giá mua đối với những hộ gắn bó với nhà máy từ ba năm trở lên.
Dựa trên nền tảng nhân văn này, để phát triển nhanh và mạnh trong bối cảnh thị trường mở cửa tự do, TTCS đưa ra mục tiêu cần quyết liệt thực hiện là giải pháp đồng bộ: “giảm giá thành – nâng chất lượng – hiểu thị trường”.
Về khâu sản xuất, chúng tôi tinh gọn đội ngũ theo chuẩn thế giới, áp dụng hệ thống quản lý tinh gọn LEAN giúp giảm chi phí sản xuất, sử dụng ít vật liệu phụ. Ước tính, vụ tới, TTCS có thể giảm thêm 5% giá thành.
Về mục tiêu nâng chất lượng, TTCS đã đầu tư tăng thêm hai phòng thí nghiệm là phòng trị bệnh và phòng nuôi cấy mô nhằm nhân rộng các giống mía nhập khẩu. Kết hợp với hệ thống dây chuyền sản xuất hiện đại, đạt tiêu chuẩn châu Âu, TTCS có thể cam kết mang đến cho thị trường những sản phẩm có chất lượng tốt nhất.
Về công tác thị trường, TTCS không chỉ bán đường mà còn nghiên cứu giải pháp để tối ưu hóa sản phẩm cho từng nhóm đối tượng khách hàng: đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp sản xuất đặc thù, phù hợp với các cơ sở chế biến chuyên biệt và các sản phẩm tiêu dùng với nhiều lựa chọn cho nhiều mục đích… Không chỉ quan tâm đến lợi ích của khách hàng khi sử dụng sản phẩm, trong năm 2015, TTCS sẽ đẩy mạnh công tác bán hàng theo cả chiều rộng và chiều sâu nhằm cung cấp đến cho tất cả khách hàng sự tiện ích và dịch vụ tốt nhất. Với sự tâm huyết với cây mía, bên cạnh sản phẩm đường, đến nay, chúng tôi chuẩn bị cho ra mắt thị trường sản phẩm Nước tinh khiết chiết xuất từ Mía, đây là dòng sản phẩm sau đường độc đáo. Với dây chuyền công nghệ tiên tiến, và các yêu cầu gắt gao về chỉ tiêu kỹ thuật, TTCS đã chiết xuất thành công nước tinh khiết hương mía, rất độc đáo và mới lạ.
Được biết ông đã có hơn 18 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành đường, và nay vẫn tiếp tục gắn bó với nó. Nhân duyên nào đã đưa chàng trai miền Bắc quyết định lập nghiệp tại một vùng đất phương Nam?
Ông Phạm Hồng Dương đã có 18 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành đường
Nhân duyên của tôi với ngành đường quả thật rất “ngọt ngào”! Năm 1997, Công ty Cổ phần Mía đường Bourbon Tây Ninh (nay là Công ty Cổ phần Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh – TTCS) được Tập đoàn Bourbon – Pháp hoàn tất việc xây dựng nhà máy. Tôi đã làm việc tại đây từ lúc ấy, vinh dự chứng kiến thời điểm Nhà máy chạy thử nghiệm vụ mía đường đầu tiên năm 1998. Mười tám năm qua, trải qua không ít những thăng trầm trong công việc cũng như cuộc sống, càng lúc tôi càng yêu nghề nghiệp của mình, quý trọng những người nông dân trồng mía một nắng hai sương, kính phục những đàn anh đi trước đã giúp tôi rất nhiều, và thêm yêu quý những đồng nghiệp cùng cộng tác trong bao năm qua.
HĐQT TTCS đã cân nhắc rất kỹ về thời điểm chuyển giao này, với mong muốn tập trung đội ngũ nhân sự lành nghề, có chuyên môn, kinh nghiệm và kiến thức để phát triển Công ty phù hợp với Chiến lược giai đoạn 05 năm sắp tới. Cùng với ekip Ban Điều hành mới được bổ nhiệm thời gian qua, chúng tôi tin tưởng có thể sát cánh, phối hợp ăn ý, hướng đến các mục tiêu chung. Bản thân bà Đặng Huỳnh Ức My cũng tiếp tục vai trò thành viên HĐQT để cùng phối hợp và hỗ trợ xuyên suốt Công ty.
Tôi cùng các đồng nghiệp tại TTC luôn xem các khó khăn chung của ngành mía đường vừa là thách thức, vừa là cơ hội để TTCS khẳng định vị thế của mình trên thị trường quốc tế, đồng thời là trách nhiệm đối với ngành mía đường trong nước.
Xin cảm ơn ông. Xin chúc ông sức khỏe để hoàn thành tốt công việc của mình!
NCĐT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *