NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM TRONG THẾ HỘI NHẬP

NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM TRONG THẾ HỘI NHẬP

 (DNSG) – Năm 2014, ngành nông nghiệp chiếm tỷ trọng khoảng 18% trong GDP. Đóng góp đáng kể nhất của ngành với phát triển kinh tế là xuất khẩu nông sản đã đạt trên 31,8 tỷ USD, con số ấn tượng từ trước đến nay. Hơn nữa, hai năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp (DN) lớn của Việt Nam bắt đầu chuyển hướng, hoặc đầu tư mạnh mẽ vào nông nghiệp theo mô hình cơ giới hóa, dần khép kín chuỗi giá trị, với nhiều tên tuổi quen thuộc như Thành Thành Công, Hoàng Anh Gia Lai, Nguyễn Kim…

Năm 2015, Việt Nam đứng trước ngưỡng cửa hội nhập với nhiều lợi thế cho vấn đề xuất khẩu hàng hóa, nông sản nhưng cũng không ít những thách thức mà theo như cách nói của GS-TS. Võ Tòng Xuân là “ngành nông nghiệp Việt Nam phải chuyển mình theo hướng cơ giới hóa, có như vậy, chúng ta mới cạnh tranh được với Thái Lan, Brazil… việc đầu tư manh mún, thủ công sẽ rất khó cạnh tranh”. Liên quan đến vấn đề này, báo Doanh Nhân Sài Gòn xin trích dẫn chia sẻ của GS – TS. Võ Tòng Xuân về chiến lược phát triển nông nghiệp Việt Nam theo chiều sâu.

Chú trọng nguồn nhân lực kỹ thuật cao
Hiện nay, chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp chưa được cải thiện đáng kể. Lực lượng giảng dạy ngành này còn quá trẻ, những người có kinh nghiệm thì đi làm nhiều nơi, kể cả nước ngoài. Một giảng viên muốn thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học về nông nghiệp, Ban giám hiệu phải tìm nguồn kinh phí tài trợ, nếu không, rất khó để thực hiện.
Chẳng hạn, với đề tài cây mía, trước đây, Đại học Nông Lâm TP.HCM có chương trình đào tạo nhưng sau này bỏ hẳn. Qua thông tin chia sẻ với các trường, tôi biết rằng, khi đào tạo về cây mía, sinh viên ra trường không dễ tìm việc làm, dù rằng Việt Nam có hơn 40 nhà máy đường. Đây là điều hụt hẫng khi so với Thái Lan, Philippines, Ấn Độ vì họ có nhiều trường đại học đào tạo về ngành mía đường.
Nhìn lại thời kỳ sau ngày đất nước thống nhất, Việt Nam đào tạo về nông nghiệp cả lý thuyết lẫn thực tiễn, sinh viên ra trường, phục vụ lại cho các huyện nông thôn, tương tác rất tốt. Các đề tài tốt nghiệp bao giờ cũng gắn với chu kỳ của cây lúa, con tôm, con cá…, bây giờ cảnh này không còn nữa, nhiều lắm thì mỗi trường chỉ 1 – 2 sinh viên đi làm nghiên cứu như thế. Do hạn chế về cọ sát thực tiễn nên sinh viên ngành nông nghiệp hiện nay tốt nghiệp rất khó kiếm việc làm. Ngay như ở Đại học Cần Thơ, An Giang, sinh viên nông nghiệp ra trường phần lớn về làm ở các công ty phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, không ai làm nghiên cứu khoa học. Đó là thực trạng chung về nhân lực cho lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam.
Vấn đề trên được nhìn nhận ở hai mặt. Thường thì chúng ta nghe các trường ĐH đào tạo những gì mình có chứ không đào tạo những cái xã hội cần. Đôi khi xã hội cần nhưng các trường ĐH dửng dưng, không hay biết, nhưng nhiều lúc cũng do chính sách của chúng ta.
Chẳng hạn như về Hợp tác xã (HTX), Việt Nam có luật HTX (đã sửa đổi lần ba) nhưng chủ yếu nhắc đến vai trò của nông dân, hầu như nông dân làm “tất tần tật”. Trong khi, HTX nông dân ở Nhật, họ thuê ban điều hành, là những người được đào tạo về quản trị kinh doanh, thương mại…
Ở ta, chưa có trường nào dạy cách điều hành một HTX thực tế như thế nào? Học kinh tế là học chung chung, luận văn tốt nghiệp cũng làm chung chung nên ra thực tế làm không được. Cho nên, theo tôi, các trường ĐH phải gắng với thực tế. Nhưng thực tế là ở đâu? Đó chính là các DN, là nơi mà các sinh viên sau khi ra trường phải làm việc.
Ở Pháp, khi đào tạo ngành tin học, suốt 4 năm, anh cử nhân tin học cũng đã kinh qua 3 lần đi thực tập. Lần đầu, nhà trường có thể đưa đến công ty tin học hoặc phòng viết các chương trình tin học, sinh viên chỉ cần đến xem máy photocopy hay máy scan… phải làm sao. Lần thứ hai tới nghiên cứu sâu hơn, xem có vấn đề gì cần phụ DN một chút rồi về báo cáo lại với các giáo sư.
Lần thứ ba là thực hiện cụ thể một vấn đề và đây là lúc DN nhìn “giò cẳng” của sinh viên. Quay lại lĩnh vực nông nghiệp ở Việt Nam, chúng ta đang nói nhiều đến liên kết 4 nhà (nhà nước, nhà nghiên cứu, nông dân, DN) để tạo chuỗi giá trị cho ngành thì nhất thiết phải có sự liên kết chặt chẽ giữa DN và nhà trường để cung nhân sự gặp được nhu cầu.
Hoặc, trong vấn đề giảng dạy hiện nay, các trường nên xem xét hướng dẫn sinh viên cách điều hành HTX. Song song đó, Luật hợp tác xã cũng phải được thiết kế như thế nào để trong đó vừa có nông dân, vừa có bộ phận điều hành được đào tạo trong ngành này. Có như vậy, các trường mới thiết kế đào tạo đúng những cái mà xã hội cần. Ở tầm vĩ mô, nhà nước cũng cần có sự đầu tư theo chiều sâu cho ngành nông nghiệp, cũng như ở Thái Lan, mỗi năm, họ chi khoảng 14 triệu USD cho công tác đào tạo cán bộ và nghiên cứu phát triển.
Vai trò đầu tàu của DN
Theo tôi, trong giai đoạn hiện nay, sự tham gia tích cực của khối DN tư nhân vào lĩnh vực nông nghiệp là điều đáng mừng. Song, ngoài vấn đề nhân sự kỹ thuật cao, có tay nghề thì mối quan hệ giữa DN với nông dân là vô cùng quan trọng. Vì sao?
DN là đầu ra của nông dân, là đối tượng mà nông dân muốn liên kết nhất nhưng cũng khó tìm nhất. Nông nghiệp Việt Nam muốn đạt giá trị cao thì rất cần đối tượng theo nông dân từ khâu đầu cho đến khi nông dân bán được nông sản. Chu trình khép kín này giúp DN kiểm soát được chất lượng sản phẩm nhưng đồng thời có thể ổn định tâm lý cho nhà nông và khép họ vào quy trình sản xuất khoa học của DN.
Tôi lấy ví dụ trường hợp của cây mía, bà con nông dân rất tự hào mình là người có kinh nghiệm, nên nhiều khi cán bộ khuyến nông đến hướng dẫn họ không tin. Thật ra, cũng có lý do tại sao họ không tin vì những nghiên cứu khoa học của mình về cây mía cụ thể trên địa phương đó chưa ai làm, nên khi nói công thức chung chung sẽ rất khó thuyết phục.
Từ chuyện mía đường, nghĩ về năng lực cạnh tranh
Nông dân những tưởng bón nhiều phân urê là mía lên cao, nhưng lại không quan tâm mía bị bọng, ít trữ đường, nhà máy thu mua giá thấp, nông dân than phiền, đây là câu chuyện muôn đời. Nguyên nhân một phần có thể do máy móc ở nhà máy chưa chính xác nhưng một phần cũng có thể do người nông dân làm chưa đúng kỹ thuật.
Cho nên, một khi DN có đủ các kỹ thuật cho từng khâu từ làm đất, giống, bón phân, tưới nước tốt, cùng nông dân thực nghiệm, để nông dân thấy làm theo kiểu mới, hiệu quả mía sẽ tốt hơn, trữ đường sẽ cao hơn, có thực tế, nông dân mới tin. Đây là cách làm thay đổi từng bước tư duy và nâng cao trình độ người nông dân vì chính họ sau này là người tuyên truyền cho DN.
Hầu như ở các nước có ngành nông nghiệp tiên tiến, bên cạnh chính sách của nhà nước, khu vực tư nhân đều chủ động đầu tư cho vấn đề nghiên cứu, phát triển (R&D). Họ là cánh tay mặt của nhà nước, việc đầu tư bài bản vừa giúp cho nông dân, vừa giúp cho ngành nông nghiệp phát triển. Nếu làm tốt, DN cũng sẽ được hưởng thành quả đó ngay. Như ở Thái Lan, DN chủ động đầu tư cho R&D khá nhiều.
Điển hình, năm 1983, Tập đoàn CP, khi đó đang chi phối thị trường chăn nuôi thế giới, họ dành hẳn tòa nhà 4 tầng, thuê chuyên gia quốc tế về để nghiên cứu công thức thức ăn cho gà, heo…từ mới nở cho đến lúc trưởng thành, sinh sản,… CP chấp nhận cho trả lương cho mỗi chuyên gia không dưới 8.000USD/tháng nên mới có thành quả là các công thức thực tế. Còn ở Việt Nam ta, lúa là cây trồng số 1 nhưng được mấy DN đầu ngành chấp nhận đầu tư và trả thù lao cho các nhà nghiên cứu?
Hiện tại, các DN nghiệp lớn của Việt Nam cũng bắt đầu chú trọng vấn đề R&D trong nông nghiệp, họ đang bổ sung những điều mà liên kết 4 nhà còn thiếu để chuỗi giá trị được hoàn thiện hơn, giá trị nông sản Việt Nam được nâng cao. Đã đến lúc chúng ta đi vào hướng cơ giới hóa, tái cơ cấu mạnh mẽ ngành nông nghiệp, có như vậy, Việt Nam mới cạnh tranh được với Thái Lan, Brazil… còn đầu tư manh mún thì rất khó cạnh tranh, nếu không nói là bị tụt lại phía sau.
DNSG

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *