Lỏng lẻo như liên kết mía đường

Khó khăn mà ngành mía đường ở Phú Yên đang gặp phải là câu chuyện liên kết còn lỏng lẻo. Mặc dù định hướng của địa phương là tăng cường sản xuất, liên kết theo chuỗi… thế nhưng mới đây rất nhiều hộ nông dân trên địa bàn mặc dù đã ký kết bán mía cho DN, nhưng vẫn tranh thủ lén lút bán một sản lượng mía lớn cho thương lái.

Nhìn vẻ bề ngoài, mía đang là cây trồng xóa đói giảm nghèo, thay đổi bộ mặt nông thôn của tỉnh Phú Yên. Cho đến nay, toàn tỉnh có 26.220 ha mía, vượt hơn 7.000 ha so với quy hoạch của địa phương. Năm 2015, tổng sản lượng mía đạt hơn 1.600 tấn, năng suất bình quân 63,6 tấn/ha, góp phần giải quyết việc làm, thu nhập ổn định cho hàng chục nghìn hộ nông dân địa phương…

Tuy thế, những mối liên kết nhà nông và DN dường như không thắt chặt theo những lợi ích mà từng ngày các bên được hưởng. Rủi ro tác động từ thị trường lên ngành mía đường Phú Yên có lẽ đang nằm ở chính điểm kết nối lỏng lẻo này.

Sản xuất theo chuỗi đã định hình

Nhiều nông hộ đang hưởng lợi từ chủ trương phát triển cây mía tại nơi đây. Ông Nguyễn Hồng Tâm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân) cho biết, trước đây đời sống của bà con gặp nhiều khó khăn. Song những năm gần đây, do liên kết với các nhà máy để trồng mía, nhiều hộ đã thoát nghèo vươn lên làm giàu.

Đơn cử, gia đình ông La Mo Tiến, dân tộc Chăm Hroi ở thôn Suối Mây, từ một hộ nghèo nhưng sau khi liên kết với DN đầu tư trồng mía đã vươn lên làm giàu. Với thu nhập trung bình hiện nay khoảng 200 triệu đồng/năm, gia đình ông đã xây dựng nhà cửa khang trang, con cái học hành đầy đủ…

Trên địa bàn Phú Yên hiện có hai DN mía đường lớn là Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam và CTCP mía đường Tuy Hòa. Ngành mía đường trên địa bàn, trung bình mỗi năm nộp ngân sách gần 100 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 1 nghìn lao động.

Trong đó, tăng cường liên kết, sản xuất theo chuỗi trong niên vụ 2015 – 2016, KCP đã duy trì các chính sách đầu tư cho các hộ dân trồng mía trong vùng nguyên liệu. Bên cạnh đó, còn hỗ trợ thêm 2 triệu đồng/ha cho những hộ trồng mới diện tích mía. KCP Việt Nam cũng đang triển khai dự án nâng cấp, mở rộng nhà máy tại Sơn Hòa lên 10 nghìn tấn/ngày, nhà máy tại Đồng Xuân lên 5 nghìn tấn/ngày từ niên vụ 2017 – 2018 nhằm rút ngắn thời gian ép mía từ 5 tháng xuống còn 3 tháng, góp phần tập trung đầu tư cho vùng nguyên liệu theo chiều sâu.

Ngoài, KCP một số DN mía đường khác trên địa bàn cũng tăng cường khuyến khích người trồng mía ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất bằng các hình thức cho vay vốn ưu đãi để trang bị máy móc, thiết bị trong trồng trọt, sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng cây mía.

Theo ông Lê Văn Trúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, chính quyền địa phương đã và đang kêu gọi các nhà máy hỗ trợ vốn cho nông dân đầu tư thiết bị cơ giới hóa vào canh tác mía nhằm nâng cao năng suất, giảm áp lực lao động. Ngoài việc tập trung tái cơ cấu trồng mía theo hướng phát triển sản xuất quy mô lớn, gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi, Phú Yên đã đề ra mục tiêu giảm diện tích, tăng năng suất cây mía từ 63,6 tấn/ha hiện nay lên 80 tấn/ha vào năm 2020…

Nông dân… “bẻ kèo”

Tuy nhiên, khó khăn mà ngành mía đường ở Phú Yên đang gặp phải là câu chuyện liên kết còn lỏng lẻo. Mặc dù định hướng của địa phương là tăng cường sản xuất, liên kết theo chuỗi… thế nhưng mới đây rất nhiều hộ nông dân trên địa bàn mặc dù đã ký kết bán mía cho DN, nhưng vẫn tranh thủ lén lút bán một sản lượng mía lớn cho thương lái.

Vừa qua, khi các DN ngoài tỉnh đến thu mua mía với giá cao hơn, người trồng mía ở các huyện Sơn Hòa, Sông Hinh hay Đồng Xuân… “bẻ kèo” với DN đang liên kết để bán ra ngoài. Số mía bị đưa ra ngoài tỉnh tiêu thụ chủ yếu thuộc vùng quy hoạch của KCP và CTCP Mía đường Tuy Hòa.

Chỉ tính riêng tại vùng nguyên liệu của KCP, từ đầu vụ đến nay đã có đến 35 nghìn tấn mía do tư thương mua chuyển đến các nhà máy đường ngoài tỉnh. Trong khi, từ đầu vụ KCP đã bỏ vốn đầu tư cho người trồng mía, có hợp đồng bao tiêu sản phẩm nhưng bà con vẫn ngang nhiên phá vỡ hợp đồng.

Lý giải nguyên nhân “bẻ kèo”, nhiều hộ nông dân cho rằng, ngoài yếu tố giá cả còn do các công ty ở địa phương thu mua mía quá chậm. Một số diện tích đã trễ 2 tháng so với thời điểm thu hoạch, nên cây mía bị khô, giảm năng suất…

Để kịp thời ngăn chặn tình trạng tranh mua mía giữa các DN trong và ngoài tỉnh, giữ ổn định vùng nguyên liệu, UBND tỉnh Phú Yên đã phải có văn bản chỉ đạo các ngành, địa phương và DN mía đường trong tỉnh tăng cường quản lý vùng nguyên liệu mía; đề nghị các DN mía đường trên địa bàn rà soát kế hoạch sản xuất, cải tiến phương thức thu mua nguyên liệu thuận lợi, đảm bảo thu mua mía kịp thời cho người dân.

Về phần người trồng mía cũng đừng vì cái lợi trước mắt mà gây khó cho DN, còn DN thì ngoài việc cân đối giá mua tránh thiệt thòi cho nông dân, nên công bố giá mua mía đến hết vụ tạo tâm lý ổn định cho thị trường.

Được biết, Phú Yên đã có kiến nghị Chính phủ sớm hình thành Quỹ Bình ổn giá cho sản phẩm đường theo Luật Giá năm 2012; đồng thời cho phép các DN chế biến mía đường được hạch toán chi phí đầu tư hạ tầng vùng nguyên liệu vào giá thành… góp phần giúp ngành mía đường vượt qua những khó khăn hiện nay.

Nguồn: Thời Báo Ngân Hàng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *