Đường Thái Lan không đáng sợ

Nỗi lo lớn nhất của ngành đường Việt Nam khi hội nhập chính là Thái Lan. Tuy nhiên, ông Phạm Hồng Dương, Chủ tịch SBT khẳng định rằng: “Chúng tôi không sợ đường Thái Lan”.

Hội nhập một mặt mang lại nhiều lợi ích kinh tế, nhưng cũng tạo sức ép không nhỏ lên các doanh nghiệp trong nước, nhất là ngành mía đường. Nỗi lo lớn nhất của ngành đường Việt Nam chính là Thái Lan. Tuy nhiên, ông Phạm Hồng Dương, Chủ tịch Công ty Đường Thành Thành Công Tây Ninh (SBT) khẳng định rằng: “Chúng tôi không sợ đường Thái Lan”. Vì sao SBT tự tin như vậy, nhất là khi áp lực hội nhập gần kề?

“Vũ khí” của SBT

Đội chiếc nón vải cùng màu với áo sơ mi trắng, ông Phạm Hồng Dương chỉ tay về phía cánh đồng mía bạt ngàn xanh mướt vừa tươi cười cho biết, năng suất khu này đã vượt Thái Lan.

Nông Trường Bến Cầu (Tây Ninh) rộng gần 330 ha, chưa tính khu vực trụ sở và nhà máy 32 ha. Đây là khu vực SBT phát triển mô hình chuẩn từ khâu chọn giống, chăm sóc đến thu hoạch.

Cánh đồng mía - Đường Thành Thành Công Tây Ninh

Từ con lộ nhỏ dẫn vào cánh đồng mía, chỉ thấy một màu xanh ngắt. Ven ruộng mía, cách vài chục mét lại có một chiếc bẫy đèn. Trước kia, hễ mía bị sâu bệnh thì người ta phun thuốc ào ạt, đến khi nào hết thì thôi. Nay SBT dùng những chiếc bẫy này để dụ bướm bay vào rồi mắc kẹt trong đó, ngăn ngừa sâu bệnh ngay từ đầu. Cách này không chỉ hiệu quả tức thời mà còn phòng tránh được trong thời gian dài. Vừa đỡ tốn kém lại an toàn. Đây là những bước đầu tiên trong định hướng sản xuất đường sạch (organic) của SBT. “Giá đường organic xuất sang Mỹ, Nhật có thể đạt tới 5 USD/kg”, ông Dương cho biết.

Nhờ cách phòng bệnh này, mía trên nông trường chỉ bón một lần lúc xuống vụ cho đến khi thu hoạch, còn lại phụ thuộc khâu tưới nước. Cứ mỗi 100 ml nước được tưới hiệu quả, có thể đẩy năng suất tăng thêm 10 tấn/ha. Tây Ninh là vùng mía nguyên liệu lớn nhất khu vực Đông Nam Bộ nhưng đặc biệt thiếu nước. Để cải thiện khó khăn này, SBT chấp nhận tốn kém chi phí để đầu tư đường ống dài 10 km, dẫn dòng nước ngọt mát từ sông Vàm Cỏ về nông trường. Cứ 7 ngày ruộng mía được tưới một lần khoảng 6-8 tiếng. Tất cả được thực hiện tự động bằng hình thức cơ giới hoá.

Những cánh tay thép khi được kích hoạt sẽ tự động chạy dọc nông trường, tưới mát hàng trăm ha mía theo công nghệ Israel. Không chỉ khâu tưới, từ khâu làm đất đến thu hoạch, ruộng mía SBT đều được hệ thống máy móc hỗ trợ toàn bộ. “Tưới hiệu quả là bí quyết tăng năng suất mía”, ông Dương nói.

Cơ giới hóa trong thu hoạch mía đường ở SBT

Cơ giới hóa trong thu hoạch mía đường ở SBT

Hiện nay, tất cả mía SBT đang trồng đều xuất xứ từ giống Thái Lan, nhưng năng suất đã vượt Thái Lan. Mía tơ, gieo mùa đầu, đạt khoảng 90 tấn/ha. Mía gốc, gieo trong hai mùa sau, đạt trung bình 75 tấn/ha. Trong số 14.000 ha nguyên liệu SBT đang có, mía ở khu vực nông trường này đạt năng suất cao nhất. Trong thời gian tới, SBT sẽ nhân rộng mô hình ra toàn vùng nguyên liệu.

Thật ra, để đạt được những tiến bộ đáng kể trên, phải nhắc đến Trung tâm Nghiên cứu Mía đường Thành Thành Công. Trung tâm này không chỉ phát triển các giống mía mới mà còn phục tráng giống mía cũ, nghiên cứu điều kiện đất để cho ra công thức bón phân thích hợp… Mỗi năm bỏ ra hơn 10 tỉ đồng chi phí, SBT còn muốn hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm nghiên cứu mía của cả nước.

Dù năng suất có thể cao hơn Thái Lan, nhưng phải thừa nhận rằng, giá thành sản xuất đường của các công ty trong nước còn cao. Xét yếu tố cạnh tranh về giá thì đường Việt Nam đang gặp khó khăn.

Nhìn trước được vấn đề này, những năm qua SBT liên tục đầu tư nghiên cứu để cải thiện. Nghiên cứu giống mía mới cho năng suất cao hơn, đầu tư cơ giới hoá để giảm chi phí hoạt động, SBT còn tìm cách cải thiện lợi nhuận.

Năng suất đã tăng và sẽ được nhân rộng, giá thành theo đó cũng giảm theo. Đây là con đường giúp SBT tăng lợi thế bền vững nhất. Một số đơn vị trực thuộc SBT đã đạt mức giá thành dưới 10.000 đồng/kg so với mức 7.000-8.000 đồng/kg của Thái Lan. Ngoài ra, SBT cũng chú trọng phát triển các sản phẩm phụ như mật rỉ và bã mía. Các sản phẩm phụ đang đóng góp khoảng 10% doanh thu của Công ty. Ông Dương cho biết đang cố gắng nâng con số này lên ngang bằng với các doanh nghiệp mía đường thế giới là 25%.

TNCK

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *