Ngoài việc đầu tư phát triển vùng nguyên liệu trên đất Campuchia, Cty CP Mía đường Thành Thành Công (TTCS) còn xúc tiến triển khai hợp tác trồng mía xen canh trên vùng đất cao su tái canh thuộc Tập đoàn Công nghiệp cao su VN
Ông Nguyễn Hồng Quân ở ấp Tân Lợi, xã Tân Hưng trồng gần 10 ha luôn đạt năng suất trên 100 tấn/ha
Cách đây 5 năm, khi TTCS tiếp quản Nhà máy đường Pháp (còn gọi là Bourbon Tây Ninh) có công suất ép 8.000 tấn/ngày, thường xuyên thiếu nguyên liệu, cả năm ép chỉ khoảng 600 ngàn tấn, thiếu 200 ngàn tấn mía. Qua nhiều năm hoạt động, cuối năm 2012, Cty chính thức đổi tên từ Cty CP Bourbon Tây Ninh sang tên mới là TTCS đã nâng công suất ép lên gần 10.000 tấn mía/ngày.
Hiện Cty đã triển khai khá thành công một số chính sách mới có lợi cho người trồng mía làm nền tảng giúp DN phát triển ổn định vùng nguyên liệu. Điển hình như chính sách hỗ trợ chuyển đổi cây trồng khác sang cây mía, trong đó vùng nguyên liệu gần nhà máy được đầu tư không hoàn lại từ 7 – 12 triệu đồng/ha.
Chính sách đầu tư ưu đãi lãi suất, hỗ trợ KHKT từ khâu trồng, tư vấn giống mía đạt năng suất chất lượng cao, chương trình đưa cơ giới hóa vào SX nhằm giảm chi phí, tăng lợi nhuận cho người trồng mía. Bên cạnh đó, giá thu mua nguyên liệu cũng được Cty ký cam kết ngay từ đầu vụ đầu tư 2015 – 2016 với giá 900 ngàn đồng/tấn mía 10 CCS
Tiếp xúc với chúng tôi, ông Vũ Ngọc Dũng, ngụ ấp 3, xã Trà Vong, huyện Tân Biên có 6 ha mía hợp đồng với TTCS từ ngày thành lập đến nay.
Ông Dũng chia sẻ, thời điểm hiện nay trồng cây mì vẫn có lãi hơn cây mía, bởi trồng mì chỉ có 9 tháng thì thu hoạch, sau khi trừ chi phí đã có thu nhập khoảng 40 triệu đồng, 3 tháng còn lại có thể trồng hoa màu hoặc lúa để tăng thêm thu nhập. Còn trồng mía thì phải mất 1 năm mới thu hoạch, nhưng lợi nhuận khoảng 30 triệu.
“Tuy nhiên, trồng mì thì nông dân phải tự bỏ vốn đầu tư, còn trồng mía có TTCS đầu tư với định mức 18 triệu đ/ha mía gốc, mía tơ là 25 triệu đồng với lãi suất khá thấp khoảng 0,8%/tháng nên dù trồng mì có lãi hơn, tôi vẫn chọn cây mía”, ông Dũng nói. Dẫn chúng tôi ra cánh đồng mía nằm cặp đường lộ và con mương N3 với năng suất bình quân đạt trên 100 tấn/ha, ông Dũng chỉ tay nói: “Đây là vùng Bàu Đá chuyên trồng mía, mì, cao su. Hiện trong ấp này người ta phá khoảng vài chục ha cao su non từ 1 – 3 năm tuổi trên đất thấp để trồng mía hợp đồng với TTCS. Trường hợp này rất có lợi, vì phá cao su non người dân đã hết vốn, phải cần có vốn của nhà máy hỗ trợ đầu tư, không chỉ bằng tiền mặt mà còn cả hom mía giống”.
Ông Nguyễn Hồng Quân, ngụ ấp Tân Lợi, xã Tân Hưng, huyện Tân Châu là người có thâm niên trong canh tác cây mía với diện tích gần 10 ha, sản lượng lúc nào cũng đứng đầu địa phương với trên 1.000 tấn mía giao cho nhà máy.
Là người trồng mía lâu năm, am hiểu kỹ thuật trong việc chọn giống mía, chăm sóc mía có tưới nên năng suất mía của gia đình ông Quân luôn ở mức 100 tấn/ha trở lên.
Ông Quân cho biết: “Điều tôi trăn trở nhất là mía cháy, người ta hủy gốc nên “chích” cháy, cứ sau 3 ngày mía cháy sẽ mất 2 chữ đường, còn để tới 1 tuần lễ mía khô hết, nhà nông không còn gì. Năm nay, nhà máy mở máy sớm nên giải quyết áp lực cho diện tích phần mía hủy gốc.
Năm ngoái mía của tôi bị cháy 2 lần, rất may là nhà máy ứng cứu kịp nên không ảnh hưởng nhiều đến thu nhập. Hiện nay, mía chuẩn bị thu hoạch, trời nắng là tôi phải trực chiến ngoài đồng cả ngày vì sợ mía cháy”
Nông nghiệp Việt Nam