Chuyển đổi niên độ kế toán – Liệu có là lợi ích cho doanh nghiệp?

Chuyển đổi niên độ kế toán – Liệu có là lợi ích cho doanh nghiệp?

(Vietstock) – Việc hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam đều áp dụng niên độ kế toán từ đầu năm và kết thúc vào cuối năm dương lịch đã gây ra không ít áp lực đối với doanh nghiệp và các công ty kiểm toán khi phải thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính năm, để kịp phục vụ cho những hoạt động khác như tổ chức đại hội cổ đông, quyết toán thuế… Một khi khối lượng công việc lớn, lại chịu sức ép về thời hạn nộp, thì khó đảm bảo chất lượng của báo cáo tài chính, báo cáo kiểm toán.
Để có thể hiểu thêm quan điểm của các doanh nghiệp niêm yết về vấn đề này, chúng tôi có cuộc trao đổi với bà Trần Quế Trang, Phó Tổng giám đốc tài chính CTCP Đường Biên Hòa (HOSE: BHS).
Bà Trần Quế Trang, Phó Tổng giám đốc tài chính CTCP Đường Biên Hòa (HOSE: BHS)
“Việc chọn niên độ kế toán phù hợp với chu kỳ hoạt động của doanh nghiệp là rất cần thiết, nếu niên độ hiện tại chưa phù hợp thì việc chuyển đổi cũng là một việc hết sức bình thường. Và mặc dù việc đổi niên độ sẽ giúp doanh nghiệp đạt được nhiều lợi ích nhưng doanh nghiệp Việt Nam dường như cũng chưa mặn mà với việc thực hiện thay đổi này.” – Bà Trần Quế Trang, Phó Tổng giám đốc tài chính BHS chia sẻ
Thưa bà, hiện nay việc thay đổi niên độ kế toán đang là chủ đề được nhiều doanh nghiệp quan tâm, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất. Được biết, BHS đã đổi niên độ kế toán cho phù hợp với đặc thù mùa vụ của mía đường. Vậy bà có thể cho biết việc thay đổi niên độ kế toán có phù hợp với quy định hiện tại của Việt Nam và thông lệ quốc tế hay không?
Bà Trần Quế Trang: Ngày 30/06/2014, ĐHĐCĐ BHS đã đồng ý thông qua việc chuyển đổi niên độ tài chính bắt đầu từ 01/07 và kết thúc vào 30/06 năm sau. Niên độ đầu tiên trong giai đoạn chuyển đổi sẽ áp dụng là 01/01/2014 đến 30/06/2014, năm tài chính thứ hai trở đi áp dụng từ 01/07 năm này đến 30/06 năm liền kề.
Ở Việt Nam, Chính phủ quy định năm tài chính là năm dương lịch bắt đầu từ 01/01 và kết thúc ngày 31/12 hàng năm hoặc năm 12 tháng khác với năm dương lịch mà Bộ Tài chính cho phép doanh nghiệp được áp dụng.
Như vậy, nếu chu kỳ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp không phù hợp với năm tài chính thì doanh nghiệp vẫn có thể đăng ký thay đổi để đảm bảo số liệu của từng năm tài chính phản ánh đúng bản chất hoạt động kinh doanh của mình. Việc thay đổi niên độ cho phù hợp với hoạt động kinh doanh là quyền tự chủ của doanh nghiệp, nên đây không chỉ là thông lệ phổ biến trên thế giới mà còn được khuyến khích. Khi có niên độ kế toán phù hợp, số liệu trên BCTC sẽ phản ánh đúng hơn thực trạng tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Có thể điều này còn khá mới mẻ ở Việt Nam nên các doanh nghiệp chưa mạnh dạn áp dụng.
Lý do các công ty ngành đường thay đổi niên độ kế toán và lợi ích của việc thay đổi này thư thế nào, thưa bà? Bà có thể chia sẻ thêm về lợi ích việc thay đổi niên độ kế toán của BHS trong niên độ 2014?
Về lý do thay đổi niên độ tài chính của BHS, trước hết là để phù hợp với đặc thù mùa vụ của ngành đường. Ngành mía đường nói chung và tại Việt Nam nói riêng hoạt động theo chu kỳ thời vụ. Mọi hoạt động từ thu hoạch, vận chuyển và sản xuất phải diễn ra trong một khoảng thời gian nhất định của năm do những yếu tố như thời tiết, khí hậu, thời gian sinh trưởng của cây mía… Thời điểm thu hoạch mía cũng là khoảng thời gian nhà máy đường hoạt động trong năm, sau đó trữ hàng để bán dần cho các tháng còn lại trong năm. Các nhà máy mía đường tại Việt Nam thường hoạt động rải đều từ khoảng tháng 7 năm nay cho đến hết tháng 5 năm sau tùy theo vùng mía. Khu vực Tây Nam Bộ thường là khu vực vào vụ sớm nhất – vào khoảng tháng 7 và kết thúc vào khoảng tháng 12. Trong khi đó, khu vực miền Trung – Cao nguyên như Ninh Hòa, Gia Lai lại vào vụ khá trễ, vào khoảng tháng 12, tháng 1 và kết thúc vào khoảng tháng 5, tháng 6.
Do đặc thù nêu trên nên tính mùa vụ cũng thể hiện rõ nét trong kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp mía đường. Doanh thu của các công ty ngành đường thường tập trung chủ yếu vào quý 4 hoặc quý 1 do một phần mùa tết và đồng thời cũng là thời điểm hoạt động hết công suất của các nhà máy đường.
Ngoài ra, tại các công ty ngành đường, công tác lập kế hoạch cho vụ sản xuất mới buộc phải đi theo chu kỳ sinh trưởng của cây mía, bắt đầu từ việc xây dựng chính sách đầu tư cho nông dân, chính sách thu mua và thời điểm đầu tư máy móc thiết bị cho vụ thu hoạch… Việc thay đổi niên độ kế toán cho phù hợp với chu kỳ sản xuất ngành đường là hết sức cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi trong việc thống nhất kế hoạch từ bộ phận nông nghiệp, kỹ thuật với công tác kinh doanh, bán hàng, tài chính. Đồng thời cũng giúp việc hoạch định dòng tiền thuận lợi hơn cũng như công tác phân bổ các chi phi phí sẽ theo đúng chu kỳ sản xuất, công tác hạch toán chi phí sẽ chính xác hơn, tránh được hiện tượng chi phí vụ này nhưng hạch toán vào vụ sau từ đó khó có thể đánh giá chính xác hiệu quả hoạt động của đơn vị.
Những năm trước khi chưa thay đổi niên độ kế toán, thời điểm cuối năm thật sự vô cùng mệt mỏi, khi cả đơn vị kiểm toán và BHS đều phải chạy đua với thời gian để đảm bảo được tiến độ của báo cáo tài chính. Vì vậy, khi thông báo chuyển đổi niên độ, không chỉ có lợi cho BHS mà cả đơn vị kiểm toán cũng vui lây. Thời điểm này chúng tôi khá thong thả với báo cáo soát xét 6 tháng, thay vì phải “chạy đua” với báo cáo năm, và vui hơn hết là số liệu năm nay sẽ “tròn” hơn, dễ làm hơn cho cả hai phía khi thực hiện kiểm toán năm vào ngày 30/06 sắp tới.
Thay đổi niên độ kế toán mang lại nhiều lợi ích đối với doanh nghiệp, đây cũng được nhận định là xu hướng của thế giới, tuy nhiên các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa mặn mà lắm với việc thay đổi này, theo bà đâu là lý do để doanh nghiệp Việt Nam chưa chịu thay đổi?
Việc chọn niên độ kế toán phù hợp với chu kỳ hoạt động của doanh nghiệp là rất cần thiết, nếu niên độ hiện tại chưa phù hợp thì việc chuyển đổi cũng là một việc hết sức bình thường. Và mặc dù việc đổi niên độ sẽ giúp doanh nghiệp đạt được nhiều lợi ích nhưng doanh nghiệp Việt Nam dường như cũng chưa mặn mà với việc thực hiện thay đổi này.
Lý do chính, theo tôi là do thói quen của các doanh nghiệp Việt Nam. Một phần từ trước đến nay cũng chưa nhiều người đề cập đến vấn đề này vì vậy theo tôi biết một số các doanh nghiệp hiểu rằng niên độ kế toán là do nhà nước quy định và doanh nghiệp có muốn cũng không thể thay đổi.
Theo bà các cơ quan quản lý nhà nước cần có chính sách khuyến khích hỗ trợ gì để các doanh nghiệp Việt Nam thay đổi niên độ kế toán?
Việc khuyến khích các doanh nghiệp từ bỏ thói quen chọn năm tài chính trùng với năm lịch, thay vì chọn thời điểm phù hợp với hoạt động là điều các doanh nghiệp cần tính tới. Tuy nhiên, như đã nói ở trên có lẽ lợi ích của việc này chưa được phổ biến rộng rãi nên chưa có nhiều đơn vị quan tâm thực hiện.
Theo tôi về phía cơ quan Nhà nước đã có những quy định đã cho thấy sự ủng hộ đối với doanh nghiệp. Theo đó thì mặt thủ tục chuyển đổi mà doanh nghiệp phải thực hiện đối với quản lý Nhà nước là tương đối đơn giản và không quá khó khăn.
Tuy nhiên, nếu được Nhà nước khuyến khích tôi nghĩ sẽ nhiều doanh nghiệp mạnh dạn hơn. Ví dụ có thể có các hình thức ưu đãi cho doanh nghiệp trong năm đầu doanh nghiệp thay đổi niên độ kế toán.
Đơn vị thứ 2 có thể tác động đến doanh nghiệp chính là các công ty kiểm toán. Thông qua tư vấn quản lý, công ty kiểm toán có thể khuyến nghị doanh nghiệp xem xét lại niên độ kế toán nếu thấy chưa phù hợp.
Xin cảm ơn bà!
Vietstock

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *