Cục Bảo vệ thực vật ban hành Quy trình kỹ thuật tạm thời phòng chống sâu đục thân mía

Cục Bảo vệ thực vật ban hành Quy trình kỹ thuật tạm thời phòng chống sâu đục thân mía

 Viện mía đường – Sâu dục thân 4 vạch đầu nâu có tên khoa học là Chilo tumidicostalis Hampson gây hại khá phổ biến ở các nước trồng mía xung quanh nước ta như Thái Lan, Myanmar, Ấn Độ, Bangladesh,…

Ở Việt Nam, loài sâu đục thân 4 vạch đầu nâu mới lần đầu phát hiện đã gây hại nghiêm trọng trên khoảng 6.300 ha mía ở Tây Ninh từ tháng 9/2014, trong đó có trên 500 ha nhiễm nặng với tỷ lệ từ 30 – 70%. Loài sâu này đã gây hại nghiêm trọng đến năng suất, chất lượng cây mía. Sâu đục thân 4 vạch đầu nâu thường phát sinh gây hại nặng mía trồng ở những vùng đất thịt nặng và có mưa nhiều, ẩm độ cao. Sâu gây hại trên nhiều giống khác nhau như LK92-11, K95-156, K2000-89, K84-20000, K88-92, K94-2, K99-72, Khonkaen 3,…

Một số đặc điểm hình thái, sinh học

Sâu đục thân mía 4 vạch đầu nâu có vòng đời trung bình từ 44 – 54 ngày, trong đó: pha trứng khoàng 9 ngày, pha sâu non có 5 – 7 tuổi với thời gian 25 – 30 ngày, pha nhộng 7 – 10 ngày, pha trưởng thành 3 – 5 ngày.

Trưởng thành đẻ trứng thành từng ổ trứng màu trắng vào ban đêm, trên cả 2 mặt của lá mía. Mỗi ổ trứng có 27 – 370 quả trứng, chia thành 4 – 5 hàng. Trong điều kiện tự nhiên, tỷ lệ trứng nở trung bình đạt tới 97%.

Sâu non có đầu màu nâu vàng đến nâu sẫm, các chấm trên cơ thể to, có màu xám mờ. Mảnh lưng ngực trước có màu nâu đậm, sâu non tuổi cuối dài từ 20 – 23 mm. Sâu non đục nhiều lỗ trên các lóng mía nhưng có rất ít phân đùn ra ngoài.

Sâu non đẫy sức thường hóa nhộng ngay trong lỗ đục ở trong thân cây mía. Nhộng màu nâu đỏ, dài từ 11 – 15 mm, rộng từ 3 – 5 mm.

Ngài trưởng thành có màu nâu đến nâu nhạt, ngài cái lớn hơn ngài đực, sải cánh 26 – 28 mm, thân dài 14 – 18 mm, chủ yếu hoạt động vào ban đêm, có xu tính yếu với ánh sáng đèn.

Khác với sâu đục thân 4 vạch đầu nâu, sâu đục thân mía 4 vạch đầu vàng Chilo saccchariphaugus Bojer đã tồn tại và gây hại ở Việt Nam từ lâu. Sâu non có đầu màu vàng nhạt, các chấm trên cơ thể nhỏ màu tím đen lộ rõ; mảnh lưng ngực trước có màu trắng, viền nâu đen. Sâu non thường đục ăn nhu mô lá non, để lại triệu chứng lá lốm đốm trắng rất điển hình; chỉ có 1 -2 con/cây và có nhiều phân đùn ra ngoài lỗ đục.

Tập tính gây hại

Sâu non mới nở bò xuống bẹ lá và đục vào các lóng mía trên ngọn để gây hại. Sâu non có tính gây hại tập thể, nhiều sâu non cùng gây hại trong cùng 1 lóng mía, có thể tới hàng trăm con/cây. Trong thời gian 2 – 3 tuần kể từ khi nở, sâu non có thể đục xuyên quá 3 – 5 lóng mía, đục từ dưới lên và ăn hết phần thịt lóng, chừa lại phần vỏ làm cho cây bị chết khô rất nhanh, cây mía bị gãy đổ và chết rụi.

Tại Tây Ninh, trên mía hè thu bị hại nặng hơn. Sâu non gây hại ngày từ khi cây mía có lóng, giai đoạn 3 – 5 tháng tuổi.

Biện pháp phòng chống

Để hạn chế tác hại của sâu đục thân 4 vạch đầu nâu và các loài sâu đục thân khác, cần áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) như sau:

a. Biện pháp canh tác

– Trồng mía tập trung, đúng thời vụ nhằm hạn chế sâu chuyển từ vụ trước sang vụ sau.

– Không sử dụng hom giống nhiễm sâu đục thân; không lấy hom giống mía ở những vùng đã bị nhiễm sâu đục thân 4 vạch đầu nâu.

– Không sử dụng các giống mía đã nhiễm nặng sâu đục thân 4 vạch đầu nâu hoặc các loại sâu đục thân khác ở vùng đã bị nhiễm nặng.

– Thường xuyên bóc tỉa các lá phía dưới nhằm diệt ổ trứng sâu đục thân, mặt khác tạo sự thông thoáng, dễ dàng xử lý các biện pháp khác khi có dịch xảy ra (thu gom các lá bóc tỉa, để riêng ở khu vực cách ly ruộng mía, chú ý không tiêu hủy ngay để bảo vệ ong ký sinh trứng vũ hóa).

– Bón phân cân đối để cây mía sinh trưởng phát triển khỏe mạnh, tăng khả năng chống chịu sâu đục thân.

– Luân canh mía với cây trồng cạn khác họ (chân đất cao) hoặc với lúa nước (chân đất thấp, chủ động nước tưới) để hạn chế nguồn sâu trong vụ tiếp theo.

b. Biện pháp cơ giới

– Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng ngay từ khi mía bắt đầu có lóng ngắt tiêu hủy ổ trứng bằng tay; cắt thân mía đã bị sâu đục đem tiêu hủy để giảm nguồn sâu lứa sau.

– Sử dụng bẫy đèn ánh sáng vàng hoặc cực tím để dự tính dự báo; nơi có điện đặt tối thiểu 3 bẫy/ha để diệt trưởng thành sâu đục thân các loại.

c. Biện pháp sinh học

– Bảo vệ, nhân nuôi và phóng thích ong ký sinh (ong mắt đỏ Tricogramma sp. kí sinh trứng, ong đen kén trắng Cotesia flavipes kí sinh sâu non), bọ đuôi kìm,… ra đồng ruộng để kiểm soát sâu đục thân.

– Sử dụng bẫy Pheromone vừa để dự tính dự báo vừa để diệt trưởng thành sâu đục thân các loại.

d. Biện pháp hóa học

– Chỉ khi phát hiện trứng sâu đục thân có mật độ cao mới sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật đăng ký sử dụng trừ sâu đục thân mía để phun trừ tại các ổ dịch.

– Hạn chế phun thuốc hóa học để bảo vệ và lợi dụng các loài côn trùng bắt mồi ăn thịt trong tự nhiên kiểm soát sâu đục thân mía. Phun thuốc hóa học phảo theo nguyên tắc 4 đúng theo khuyến cáo trên bao bì.

Viện mía đường

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *