Ông Đặng Văn Thành: “Doanh nhân cần tự tin trước hội nhập và công nghiệp 4.0”
Trước thềm của kinh tế hội nhập toàn cầu, của công nghiệp 4.0 và nền kinh tế tri thức, đòi hỏi sự đồng hành của Chính phủ và sự tự tin của doanh nhân rất nhiều, để có thể vượt qua sự cạnh tranh toàn cầu khốc liệt, đứng vững ngay trên sân nhà.
Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch tập đoàn Thành Thành Công (TTC). Ảnh Forbes Việt Nam
LTS: “Chính phủ kiến tạo và hành động” là quyết tâm chính trị đã được thực hiện quyết liệt trong 2 năm qua. Với hàng loạt chủ trương, chính sách mang tính cải cách mạnh mẽ hơn (phát động phong trào quốc gia khởi nghiệp, phát triển kinh tế tư nhân, xóa bỏ giấy phép con, đối thoại với doanh nhân…), Chính phủ đã tạo ra một luồng sinh khí mới, một sự tương tác thân thiện với xã hội, với doanh nghiệp để chia sẻ và phát triển. Mới đây Ban bí thư cũng có chỉ thị tiếp tục mở rộng kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân vào Đảng, đây là thông điệp đặc biệt cho thấy Đảng nhìn nhận lại và rõ ràng bản chất, vị thế của doanh nghiệp tư nhân.
Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, TheLEADER đăng tải những kiến nghị, những phát biểu tâm tình của một số doanh nhân với mong muốn đóng góp vào sự hoàn thiện các chính sách của Chính phủ.
Bài 3: Doanh nhân cần tự tin trước hội nhập và công nghiệp 4.0
(Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn TTC)
Trong thời gian 16 tháng của Chính phủ mới, tôi thấy có rất nhiều điểm tích cực so với trước. Đặc biệt nhất là rất trân trọng, quan tâm tới kinh tế tư nhân trong đóng góp với kinh tế chung của Việt Nam. Cùng với đó là việc hình thành Tổ tư vấn doanh nghiệp tư nhân cho chính phủ.
Trong cuộc gặp tổ tư vấn của Chính phủ vừa rồi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng mong muốn ủng hộ doanh nghiệp, ông cũng cho rằng phải bằng mọi giá giữ được Sơn Trà.
Về phía các bộ, ngành, vừa rồi Chính phủ cũng có chỉ đạo rất chuyên nghiệp, yêu cầu có sự giám sát chung của những Tổ kiểm tra riêng từng ban ngành, giúp cho chỉ đạo của mình đi đúng hướng. Bộ Công thương cũng phải tự mình tái cấu trúc, giảm đi rất nhiều những thủ tục rườm rà kéo dài suốt nhiều năm.
Phải có ý thức đồng hành từ ba mũi giáp công, Chính phủ, các bộ ngành và doanh nghiệp, thì những quyết sách ấy mới thành hiện thực, đất nước, thị trường mới chuyển mình như người dân mong muốn.
Gần đây, gặp gỡ giới doanh nhân, tôi thấy các đồng nghiệp của mình rất phấn khởi, vui mừng trước những tín hiệu đó. Trước thềm của kinh tế hội nhập toàn cầu, của công nghiệp 4.0 và nền kinh tế tri thức, đòi hỏi sự đồng hành của Chính phủ và sự tự tin của doanh nhân rất nhiều, để có thể vượt qua sự cạnh tranh toàn cầu khốc liệt, đứng vững ngay trên sân nhà.
Về phía TTC, chúng tôi đang tập trung ráo riết cho các dự án năng lượng sạch, trong đó có năng lượng gió và năng lượng mặt trời. Đây là hai nguồn năng lượng rất phù hợp với Việt Nam vì bờ biển dài, lại nằm gần đường xích đạo.
Việc Chính phủ tham mưu cho Quốc hội ngừng triển khai các dự án điện hạt nhân tôi cho là quyết sách rất kịp thời. Vì trước đây một thập kỷ, giá thành của năng lượng mặt trời và năng lượng gió rất cao, nhưng gần đây công nghệ mới rất cạnh tranh đã làm giảm giá thành đi rất nhiều, giúp cho các quốc gia nhiệt đới đi sau có thể tiếp cận được nguồn công nghệ này.
TTC đã làm năng lượng hơn 30 năm nay, chủ yếu là thủy điện và điện sản xuất từ bã mía. Bây giờ chúng tôi thêm lĩnh vực điện gió và mặt trời. Quỹ năng lượng sạch Armstrong( AAM) và Tổ chức tài chính quốc tế (IFC) là hai đối tác chiến lược của TTC, chiếm 36% công ty năng lượng của TTC.
Được sự hỗ trợ của Chính phủ về giá mới đây nhất, để triển khai năng lượng sạch, tôi cho rằng không chỉ TTC, mà tất cả các doanh nghiệp quan tâm đến năng lượng sạch cũng nên bắt tay vào, làm sao đáp ứng được nguồn năng lượng sạch cho đất nước, bởi nó tỷ lệ thuận với phát triển của nền kinh tế.
Cuối tháng 10 này, TTC sẽ khởi công dự án đầu tiên 30 MW bằng năng lượng mặt trời ở Huế, tháng 11 chúng tôi sẽ động thổ ở Gia Lai dự án 49 MW, tiếp tục 2018 sẽ trển khai 20 dự án điện mặt trời nữa. Mục tiêu của TTC là sản xuất 1000 MW điện mặt trời, 40 MW điện gió, chiếm 73% tỷ trọng toàn ngành năng lượng của của tập đoàn từ năm 2020 và chi phí sản xuất tối đa là 20 tỷ đồng/MW.
Hiện nay, đã có hơn 30 nhà đầu tư trong và ngoài nước bắt đầu phát triển các dự án điện mặt trời với công suất từ 20-500 MW, đa phần nằm ở miền Trung và miền Nam. Việt Nam đang hướng tới phát triển năng lượng tái tạo.
Theo Theleader