Khi thu hoạch, công nhân phải chặt sát gốc, róc sạch rễ lá, loại bỏ mía mầm. Nếu chặt đúng theo quy trình kỹ thuật sát gốc sẽ tăng lợi nhuận đáng kể cho người nông dân.
Công ty Cổ phần mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (TTCS) cho biết, bên cạnh định hướng nâng cao năng suất mía, TTCS còn đặt mục tiêu nâng cao chất lượng mía, nâng cao chữ đường và giảm lượng tạp chất của mía nguyên liệu.
Vụ thu hoạch 2015-2016 vừa qua, năng suất vùng nguyên liệu mía Tây Ninh đạt 73 tấn/ha, chữ đường bình quân đạt 9,3 nhưng tạp chất bình quân mía nguyên liệu lên đến 5,1%.
Tạp chất là một yếu tố gây ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình sản xuất, chế biến đường từ khâu thu hoạch mía đem lại. Tạp chất mía cao gây ảnh hưởng xấu đến quá trình chế biến đường vì tạp chất không tạo ra đường nhưng vẫn đi vào máy ép cùng với mía làm tăng trọng tải ép và giảm hiệu suất hoạt động của máy móc.
Với nguyên liệu sạch, trung bình 10 tấn mía sẽ cho ra 1 tấn đường. Trong khi mía tạp chất cao phải cần 11-12 tấn mía để tạo ra 1 tấn đường, làm tăng chi phí nguyên liệu, vận hành máy và chế biến.
Thu hoạch mía bằng cơ giới.
Tạp chất còn làm giảm độ tinh khiết, giảm chất lượng đường. Ngoài ra, tạp chất còn làm tăng chi phí vận chuyển. Tạp chất không những làm cho lợi nhuận của người nông dân trồng mía bị giảm mà còn làm giảm hiệu quả sản xuất của các nhà máy chế biến đường.
Theo TTCS, tạp chất nhiều có nguyên nhân từ khâu thu hoạch không đúng yêu cầu. Hiện nay, kỹ thuật đốn chặt mía vẫn chưa được nông dân quan tâm đúng mức, cách thức thu hoạch của nhân công chặt mía vẫn còn thô sơ. Đa số người dân thu hoạch mía bằng thủ công, do đó tạp chất mía nguyên liệu vẫn còn rất cao, mía chặt xa gốc khá phổ biến dẫn đến việc thất thoát cả về năng suất và chất lượng mía nguyên liệu.
Để cải thiện vấn đề này, các doanh nghiệp chế biến đường đã chủ động cơ giới hóa trong khâu thu hoạch, cụ thể như công ty TTCS. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, TTCS đã có 10 máy thu hoạch mía với công suất hoạt động 300 tấn mía/máy/ngày.
Dự kiến có khoảng 200.000 tấn mía nguyên liệu sẽ được thu hoạch bằng máy, giảm áp lực từ công lao động trong những thời gian cao điểm. Chất lượng mía được thu hoạch bằng máy sẽ cao hơn thu hoạch thủ công do máy chặt sát gốc hơn. Bên cạnh đó, máy thu hoạch sẽ xé tơi lá mía, để lại một nguồn phân hữu cơ cho đất, giúp tiết kiệm chi phí phân bón cho vụ sau.
Để giảm thiểu tối đa tạp chất từ việc thu hoạch mía không đạt yêu cầu, công ty TTCS đã đề ra các quy chuẩn thu hoạch mía để cải thiện tình trạng nêu nên. Trong đó có yêu cầu bắt buộc khi thu hoạch, công nhân phải chặt sát gốc, chặt ngọn đúng đến mặt trăng – đỉnh sinh trưởng, róc sạch rễ lá, loại bỏ mía mầm.
Nếu chặt đúng theo quy trình kỹ thuật sẽ mang lại lợi ích tăng thêm cho người nông dân trồng mía trung bình từ 5– 6 tấn mía/ha. CCS bình quân tăng lên từ việc chặt sát gốc bình quân từ 0,2 -0,3. Chặt mía đúng yêu cầu kỹ thuật làm tăng lợi nhuận đáng kể cho nông dân.
Bên cạnh đó, thời điểm thu hoạch mía cũng ảnh hưởng lớn chất lượng mía nguyên liệu. Quá trình thu hoạch diễn ra thuận lợi và nhanh chóng sẽ bảo đảm năng suất và chất lượng mía, giúp mía tái sinh gốc tốt, tạo điều kiện phát triển ở những vụ sau.
Theo Báo Tây Ninh